Phân loại Trống_đồng

Theo phân loại của nhà khảo cổ học người Áo Franz Heger:

Trống đồng Hoàng Hạ, loại Heger I, trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam.
  • Trống Heger I, còn được nhiều người gọi là trống Đông Sơn. Trống loại này thường lớn, thân trống hình trụ thẳng đứng. Mặt dưới để trống, mặt trên có hình sao đúc nổi với 12 cánh. Trên một số trống, chỉ có 8 cánh sao, như trống đồng Quảng Xương, hoặc 14 cánh như trống đồng Ngọc Lũ, Sông Đà, Thượng Lâm. Hoặc 16 cánh như Hoàng Hạ, Salayar. Trống loại này được tìm ở khắp vùng Đông Nam Á, nhưng tập trung nhiều nhất ở Việt Nam. Tiêu biểu nhất là các trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, và Sông Đà.
Trống đồng Lạng Sơn, loại Heger II, trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam.
  • Trống Heger II: thân trống chỉ có 2 phần, không có hình người hay vật nữa, thay vào đó toàn là hoa văn hình học. Trên mặt trống thường có hình khối bốn con cóc, đôi khi sáu con. Mặt trời có 8 tia. Loại này phân bố ở vùng Quảng Đông và Quảng Tây, Trung Quốc; ở Việt Nam cũng có nhiều loại trống này và còn được người Mường sử dụng, nên có người gọi là trống Mường.
Trống đồng Tân Độ, loại Heger III, trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam.
  • Trống Heger III có quai nhỏ đẹp. Mặt trời có 12 cánh. 4 góc mặt có cóc, thường là ba con chồng lên nhau thành 12. Trang trí toàn bằng họa tiết hình học và hoa văn. Dưới chân có đoàn voi đúc nổi đi chung quanh cây "đời sống". Đôi khi ốc thay voi. Được phát hiện ở Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanma và Vân Nam (Trung Quốc).
Trống đồng Long Đọi Sơn, loại Heger IV, trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam.
  • Trống Heger IV có kích thước thường nhỏ, không có cóc. Ngôi sao bao giờ cũng 12 tia, nhiều khi rõ tên 12 con vật địa chi. Tìm thấy ở Trung Quốc và Việt Nam.

Trong cách phân loại này, trống loại I được cho là cổ nhất.

Tại Indonesia, có loại trống đồng đặc biệt, thân dài, gọi là trống Moko và không xếp vào các loại trống Heger. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng thiết kế và kiểu trang trí của loại trống này rất có thể có nguồn gốc từ văn hóa Đông Sơn[5]. Nổi tiếng nhất trong các trống Moko là chiếc "Trăng Pejeng" (Moon of Pejeng) có đường kính 160 cm và chiều cao 180 cm[6], được cho là có tuổi khoảng từ 1000 đến 2000 năm, hiện được dùng trong điện thờ tại Pejeng, Bali. Người dân trên đảo Alor, Indonesia, vẫn dùng trống Moko làm đồ dẫn cưới và là biểu tượng cho địa vị xã hội.

Năm 1976, người ta phát hiện loại trống nhỏ ở Vạn Gia Bá (万家坝), Trung Quốc, được đặt tên là trống Vạn Gia Bá. Theo cách phân loại của Trung Quốc, loại trống này là trống Tiền Heger và là nguồn gốc của mọi loại trống Heger. Ở Việt Nam, cũng đã tìm thấy loại trống này, nhưng nhiều nhà khảo cổ học Việt Nam lại coi loại trống này thuộc giai đoạn cuối của loại Heger I.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trống_đồng http://indahnesia.com/indonesia/LEMALO/alor.php http://www.rhythmuseum.com/bronze/bronze.html http://www.hawaii.edu/cseas/pubs/explore/han.html http://mcel.pacificu.edu/as/students/drum/BRONZEDR... http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2009/04/3ba0e701/ http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/ly-ky-chuyen-t... http://petrotimes.vn/news/vn/van-hoa-giai-tri-the-... http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/425805/Duc-tron... http://hanoi.vietnamplus.vn/Home/Dong-Co--Vi-than-... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Bronze...